@2022 Bản quyền thuộc Phú Cường Group
Design by NanowebDoanh nghiệp gây loạn giá đất Thủ Thiêm do có ngân hàng hà hơi, tiếp sức?
“Thực trạng năng lực tài chính của các nhà đầu tư hiện nay còn thiếu, yếu so với yêu cầu và nguồn vốn chủ yếu được ngân hàng hà hơi, tiếp sức”, là nhận định của chuyên gia khi nói về kết quả đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngân hàng tiếp sức
Tại buổi tọa đàm “Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế” do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua đã tạo ra tranh luận nhiều chiều. Khi giá khởi điểm và giá nhà đầu tư đấu giá trúng tăng gấp 8,3 lần và mức giá này được các chuyên gia đánh giá là quá cao so với các khu vực đô thị trung tâm.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua đã cho chúng ta một bài học để các nhà quản lý có biện pháp xử lý, giải quyết những trường hợp tương tự.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Phượng, Giảng viên Trường ĐH Tài chính Marketing cho biết, qua vụ đấu giá đất Thủ Thiêm có thể phản ánh năng lực tài chính của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá có vấn đề. Khi đến nay đã có 2 doanh nghiệp bỏ cọc và 2 doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất.“Có thể thấy, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong chuyện này nên khi nhà đầu tư dễ lợi dụng”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, không nên suy diễn là doanh nghiệp có lỗi khi chưa có bằng chứng, đơn giản là khi chúng ta sơ hở thì họ tận dụng và đó là lỗi chúng ta. “Việc họ đấu giá được và bỏ cọc, tôi nghĩ họ đã lên kịch bản và cũng dự tính đương đầu với mọi tình huống, thậm chí cả những thông tin bất lợi cho họ cũng đều được tính toán”, ông Hải nói.
“Thực trạng năng lực tài chính của các nhà đầu tư hiện nay còn thiếu, yếu so với yêu cầu và nguồn vốn chủ yếu được ngân hàng hà hơi, tiếp sức”, ông Phượng nói và kiến nghị, nếu doanh nghiệp bỏ cọc thì cần phải có cơ chế xử lý, chứ chỉ có thu cọc thì vẫn chưa đủ. Điển hình như Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc ở Thủ Thiêm không phải là lần đầu. Doanh nghiệp này đã từng bỏ cọc ở khu đất Lê Duẩn nên nhà nước cần phải có chế tài xử lý. Chẳng hạn, ngoài việc mất cọc thì cần bổ sung chế tài phạt nhà đầu tư bỏ cọc để ràng buộc trách nhiệm. Mức phạt có thể là 20% giá đấu trúng.
Được chưa thấy mà mất rất nhiều
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, cần phải hoàn thiện luật pháp liên quan đến đấu giá đất. Cơ quan chức năng cần đánh giá dự án nhà đầu tư để xét duyệt trước khi đấu giá, tránh tình trạng như ở Thủ Thiêm là một doanh nghiệp mới thành lập 2 tháng đã tham gia đấu giá.
Ông Châu cho biết, Sở Tư pháp báo cáo Trung ương và khẳng định TPHCM làm đúng Luật Đấu giá khi căn cứ Điều 41 của luật này để tổ chức đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, Điều 41 luật đấu giá tài sản nên áp dụng cho tài sản đơn lẻ chứ không phải dành cho phát triển dự án.
“Cuộc đấu giá đất vừa qua khiến TPHCM mất rất nhiều. Giá đất được đẩy lên, một công đất ở tỉnh chưa chắc bằng 1m2 đất ở Sài Gòn, tác hại về mặt kinh tế là không nhỏ”, ông Châu nói.Ông Châu cho rằng, Điều 42 thì quy định trả giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, Điều 43 thì quy định bỏ phiếu gián tiếp. Vì vậy, thực hiện đấu giá theo Điều 42 và 43 phù hợp hơn đối với đấu giá đất là dự án bất động sản làm dự án.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đề nghị bổ sung quy định để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư trong việc đấu giá, cũng như triển khai thực hiện dự án trên cơ sở thu thập thông tin minh bạch, độc lập về nhà đầu tư.
Đồng thời, cần yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ căn cứ giá thị trường của khu đất, dự án chứ không phải theo giá tham chiếu. Về hình thức đấu giá nên là trực tiếp, công khai trước công chúng, để công chúng giám sát, hạn chế được việc nhà đầu tư bỏ cọc, chơi chiêu, làm giá…
Doanh nghiệp trúng đấu giá chưa nộp tiền Chiều 23/2, Cục Thuế TPHCM cho biết, đang đôn đốc các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nộp tiền. Trong 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm thì Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã xin bỏ cọc, riêng Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega chưa nộp tiền sử dụng đất. Trong đó, Công ty CP Dream Republic trúng thầu lô đất số 3-5, phải đóng tiền sử dụng đất 3.820 tỷ đồng. Còn Công ty CP Sheen Mega trúng thầu lô đất số 3-8 và phải đóng tiền sử dụng đất 4.000 tỷ đồng. Dù ngành thuế TPHCM đã phát hành thông báo nộp tiền vào ngày 6/1 nhưng 2 doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền. Theo quy định, trong 30 ngày kể từ khi cơ quan thuế phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng thầu phải thực hiện đóng 50% tiền. Nếu quá thời hạn nộp tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp chưa đóng tiền thì cơ quan thuế sẽ tính tiền chậm nộp. Sau 30 ngày mà các doanh nghiệp chưa nộp tiền, Cục Thuế TPHCM sẽ đưa vào cảnh báo, áp dụng các giải pháp cưỡng chế về tài khoản, hóa đơn, thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 doanh nghiệp này mới có quá hạn khoảng 20 ngày nên chưa tới hạn để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. |
Nguồn: vietstock.vn