Loạt giải pháp chặn đồn thổi, sốt giá, nhiễu loạn thị trường bất động sản

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho thị trường bất động sản

Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt kiến nghị, giải pháp.

Cụ thể, Bộ này đề nghị sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trong đó có việc sửa đổi một số dự án Luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi).

Các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.

Các địa phương cần khẩn trương xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2015 và giai đoạn 2022- 2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư triển khai dự án phát triển nhà ở trên địa bàn. Các địa phương cũng công bố công khai và tổ chức thực hiện liên thông, rút ngắn thời gian quá trình xem xét, giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, kiểm tra, rà soát dự án kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường.

Địa phương cần tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư tạo thúc đẩy phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn. Bên cạnh đó là rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn, khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Cụ thể như việc lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Cùng với đó đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân và góp phần xây dựng đô thị văn minh hiện đại.

Công khai thông tin, chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá

Trong các nhóm giải pháp nhằm chặn sốt ảo thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương lưu ý đến việc tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.

Biện pháp này nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Bộ cũng lưu ý các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt là tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Bộ cũng nhấn mạnh việc rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Trước đó, báo cáo về tình hình giá nhà ở và một số loại bất động sản năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra song theo Bộ Xây dựng, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” bất động sản trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009).

Bộ Xây dựng lập tổ công tác về nhà ở xã hội, công nhân, cải tạo chung cư cũ

Theo Quyết định vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở
Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Quyết định về việc thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tổ công tác này thành lập để thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tổ trưởng Tổ công tác là ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Bùi Xuân Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là Tổ phó.

Ngoài ra còn có các thành viên khác là các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng, các đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội…

Theo Quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Đặc biệt, Tổ công tác sẽ tập trung về các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ là những nội dung, nhiệm vụ được Bộ Xây dựng đẩy mạnh trong thời gian qua. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các tỉnh thành về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk…

Không ít bất cập được nêu ra như đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích…

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.

Trong thời gian tới, dự kiến Bộ sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp…

Nguồn: dantri.com.vn 

Khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tại Bình Dương từ ngày 01/3/2022

Từ ngày 01/3/2022, Quyết định 07/2022/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện như sau:

– Nhà chung cư xã hội: từ 2.000 đến 5.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.

– Nhà chung cư thương mại: từ 2.100 đến 15.500 đồng/m2 thông thủy/tháng.

Mức giá trong khung giá quy định nêu trên không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, các chi phí dịch vụ khác (tắm hơi, bể bơi, sân tennis hoặc các dịch vụ gia tăng khác) phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

 

Căn cứ vào khung giá quy định nêu trên, Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm tính toán, xác định các chi phí để thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 10, Điều 30 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD.

Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư Bình Dương được hỗ trợ giảm giá dịch vụ hoặc chung cư có các khoản thu kinh doanh dịch vụ từ các diện tích thuộc phần sở hữu chung thì phải được tính để bù đắp chi phí quản lý vận hành nhà chung cư nhằm giảm giá dịch vụ nhà chung cư và có thể thu kinh phí thấp hơn mức giá tối thiểu nêu trên. Việc hạch toán các khoản thu này, Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải công khai, minh bạch các khoản thu này, thông qua Hội nghị nhà chung cư hàng năm, để cư dân giám sát và tạo sự đồng thuận.

Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư từ chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư Bình Dương hàng tháng; cụ thể: Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư của chủ sở hữu, người sử dụng = Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (đồng/m2/tháng) x Phần diện tích (m2) sử dụng căn hộ hoặc diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư.

Lưu ý: Việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư để áp dụng cho các trường hợp sau đây:

– Thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

– Làm cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; trường hợp không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì áp dụng mức giá trong khung giá dịch vụ nêu trên.

Xem thêm: Thị trường nhà đất bên ngoài Hà Nội và TP.HCM sẽ phát triển trong năm 2022

Đăng ký nhận tin