Theo đó, Tổ công tác này sẽ do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là Tổ trưởng cùng với sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và đại diện của một số Bộ với vai trò thành viên như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ công tác sẽ đảm nhận việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43. Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Cùng đó, Tổ công tác sẽ kiểm tra, giám sát việc việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở công nhân khu công nghiệp; việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ dành khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ việc xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghi các địa phương kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Nội dung giám sát bao gồm việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn quản lý; việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.
Cùng đó là việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, trọng tâm của Bộ Xây dựng thời gian tới là kiểm tra, đốn đốc các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết liệt triển khai gói hỗ trợ tín dụng về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua. Bộ Xây dựng và Thanh tra chuyên ngành xây dựng tại các Sở Xây dựng địa phương cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Xem thêm: Hơn 90% người Việt đang muốn mua nhà