Theo Quyết định vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Quyết định về việc thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Tổ công tác này thành lập để thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tổ trưởng Tổ công tác là ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Bùi Xuân Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là Tổ phó.
Ngoài ra còn có các thành viên khác là các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng, các đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội…
Theo Quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Đặc biệt, Tổ công tác sẽ tập trung về các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ là những nội dung, nhiệm vụ được Bộ Xây dựng đẩy mạnh trong thời gian qua. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các tỉnh thành về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk…
Không ít bất cập được nêu ra như đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích…
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.
Trong thời gian tới, dự kiến Bộ sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp…
Đại dịch Covid-19 có thể là một cơ hội cho người mua nhà khi họ có thể vay vốn với tỷ lệ lãi suất thế chấp ở mức thấp. Năm 2022, dù tỷ lệ này có thể được điều chỉnh tăng, nhưng thị trường nhà đất được dự báo vẫn sẽ đón nhận thêm nhiều người mua, theo Washington Post.
Dưới đây là lời khuyên dành cho những người có ý định mua nhà trong năm 2022, theo tổng hợp của các chuyên gia Washington Post.
1. Biết được năng lực của bản thân
Có rất nhiều ngôi nhà đẹp được rao bán trên các trang bất động sản, và nếu bạn lo lắng về nguồn cung, thì điều này đôi khi không cần thiết. Khi mua nhà, điều quan trọng là bạn phải hiểu năng lực của bản thân ở mức nào. Việc lãi suất thế chấp có thể được điều chỉnh tăng trong năm nay đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trả nhiều lãi hơn khi vay vốn so với năm 2021. Điều này càng khiến việc đánh giá và hiểu được năng lực của bản thân trở nên quan trọng hơn.
Bạn có thể bắt đầu đánh giá bằng việc trả lời bốn câu hỏi: Bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Bạn kiếm được bao nhiêu tiền/tháng? Bạn có đang mắc nợ không? Điểm tín dụng của bạn đang ở mức nào? Thông thường, điểm tín dụng của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất của khoản vay, vì vậy việc có điểm tín dụng tốt sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình xét duyệt vay thế chấp.
2. Quyết định những gì bạn sẵn sàng đánh đổi
Tất nhiên, rất nhiều người mua nhà không đủ khả năng chi trả mọi thứ trong danh sách mong muốn của bản thân. Vì vậy, hãy lập hai danh sách: những thứ bắt buộc phải có trong ngôi nhà và những thứ bạn muốn có trong ngôi nhà của mình. Tác giả Ilyce của cuốn sách “100 câu hỏi mà người mua nhà lần đầu nên trả lời” gọi đây là cách “Kiểm tra thực tế”.
Việc xây dựng hai danh sách này sẽ giúp bạn hiểu bản thân sẵn sàng đánh đổi thứ gì để đạt được những gì mong muốn. Trước khi lập danh sách, bạn cần suy nghĩ kỹ, bởi vì mỗi lựa chọn và mức độ ưu tiên mà bạn dành cho nó, đều để lại hệ quả trực tiếp trong thế giới thức.
3. Tìm hiểu những cách thức mua bất động sản khác nhau
Thực tế, thời đại ngày nay có rất nhiều cách khác nhau để mua nhà thay vì bắt buộc phải đi theo con đường truyền thống:
Cân nhắc mua một căn hộ có 2 hoặc 3 phòng ngủ, nơi bạn sống trong một phòng và cho thuê lại những phòng khác;
Mua với đối tác hoặc bạn bè (hãy nhớ ký thỏa thuận đối tác nếu bạn chưa kết hôn);
Mua một căn nhà và cho thuê lại (nếu bạn muốn tạo ra dòng tiền ổn định từ bất động sản);
Cuối cùng, đi theo con đường truyền thống, mua một căn nhà và cải tạo rồi bán lại để kiếm lời.
4. Nhận thức thông minh về quy trình mua nhà
Mua nhà, hay tiến tới xa hơn là đầu tư bất động sản yêu cầu cả một quá trình với nhiều bên tham gia. Ví dụ, rất nhiều bên liên quan như một công ty bất động sản, nhà môi giới, đơn vị thẩm định tài sản, văn phòng nhà đất địa phương,… tập hợp lại mới có thể tạo ra một quy trình chuẩn hóa về cả mặt pháp lý để giao dịch bất động sản.
Là một người mua nhà, bạn cần hiểu biết một cách thông minh về quá trình này. Mỗi một bên liên quan giống như một mắt xích ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình. Chỉ cần trục trặc ở một bộ phận, quá trình này sẽ không hoạt động trơn tru và khiến việc mua nhà, hoặc đầu tư bất động sản của bạn gặp khó khăn. Do đó, bạn cần có đủ kiến thức và nhận thức về toàn bộ quá trình.
Từ ngày 01/3/2022, Quyết định 07/2022/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện như sau:
– Nhà chung cư xã hội: từ 2.000 đến 5.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.
– Nhà chung cư thương mại: từ 2.100 đến 15.500 đồng/m2 thông thủy/tháng.
Mức giá trong khung giá quy định nêu trên không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, các chi phí dịch vụ khác (tắm hơi, bể bơi, sân tennis hoặc các dịch vụ gia tăng khác) phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).
Căn cứ vào khung giá quy định nêu trên, Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm tính toán, xác định các chi phí để thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 10, Điều 30 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD.
Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư Bình Dương được hỗ trợ giảm giá dịch vụ hoặc chung cư có các khoản thu kinh doanh dịch vụ từ các diện tích thuộc phần sở hữu chung thì phải được tính để bù đắp chi phí quản lý vận hành nhà chung cư nhằm giảm giá dịch vụ nhà chung cư và có thể thu kinh phí thấp hơn mức giá tối thiểu nêu trên. Việc hạch toán các khoản thu này, Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải công khai, minh bạch các khoản thu này, thông qua Hội nghị nhà chung cư hàng năm, để cư dân giám sát và tạo sự đồng thuận.
Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư từ chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư Bình Dương hàng tháng; cụ thể: Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư của chủ sở hữu, người sử dụng =Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (đồng/m2/tháng) x Phần diện tích (m2) sử dụng căn hộ hoặc diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư.
Lưu ý: Việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư để áp dụng cho các trường hợp sau đây:
– Thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.
– Làm cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; trường hợp không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì áp dụng mức giá trong khung giá dịch vụ nêu trên.
Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2022).
Theo khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022, đối với hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt sẽ bị phạt tiền đến 180 triệu đồng (trước đây, theo Nghị định 139/2019/NĐ-CP mức phạt tối đa là 120 triệu đồng). Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
– Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Theo khoản 13 và khoản 14 Điều 16 Nghị định 16/2022, trường hợp đã bị xử phạt hành chính với các vi phạm nêu trên mà tái phạm (nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 3 tháng đến 6 tháng (nếu có) và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 6 tháng đến 9 tháng (nếu có) và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Phạt tiền từ 950 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 9 tháng đến 12 tháng (nếu có) và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Căn cứ điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022, ngoài việc bị xử phạt nêu trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Lưu ý: Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022, mức phạt tiền nêu trên là áp dụng với tổ chức vi phạm; trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành loạt quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu tại một số khu vực thị xã Sơn Tây.
Thứ nhất, khu đô thị phường Trung Sơn Trầm với phía Bắc giáp phường Sơn Lộc; phía Nam giáp xã Sơn Đông và xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; phía Đông giáp xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; phía Tây giáp xã Thanh Mỹ, xã Kim sơn. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 360,89ha; Quy mô dân số dự báo đến 2030 khoảng 13.100 người.
Thứ hai, Khu đô thị phường Viên Sơn với phía Bắc giáp sông Hồng và tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp xã Thọ Lộc, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; phía Đông giáp xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ; phía Tây giáp phường Lê Lợi, phường Quang Trung.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 296,78ha; Quy mô dân số dự báo đến 2030 khoảng 18.650 người.
Thứ ba, khu đô thị phường Phú Thịnh với phía Bắc giáp sông Hồng và tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp phường Ngô Quyền, phường Trung Hưng; phía Đông giáp phường Lê Lợi; phía Tây giáp xã Đường Lâm.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 273,23ha; Quy mô dân số dự báo đến 2030 khoảng 13.460 người.
Thứ 4, khu đô thị phường Trung Hưng (khu 1) với phía Bắc giáp phường Phú Thịnh, xã Đường Lâm; phía Nam giáp phường Sơn Lộc; phía Đông giáp sông Tích và các phường Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc; phía Tây giáp xã Thanh Mỹ, xã Đường Lâm.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 434,64ha; Quy mô dân số dự báo đến 2030 khoảng 23.355 người.
Thứ 5, khu đô thị phường Trung Hưng (khu 2) nằm phía Tây trung tâm thị xã Sơn Tây; được lấy cảnh quan hai bên dự án sông Tích làm ranh giới phân chia Trung Hưng khu 1 và Trung Hưng khu 2.
Khu vực quy hoạch có phía Bắc giáp phường Quang Trung; phía Nam giáp sông Tích, các phường Sơn Lộc, Trung Sơn Trầm và xã Tích Giang; phía Đông giáp phường Quang Trung; phía Tây giáp các phường Quang Trung, phường Sơn Lộc.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 105,48ha; Quy mô dân số dự báo đến 2030 khoảng 3.620 người.
Thời gian lập quy hoạch đối với cả 5 phân khu nói trên không quá 9 tháng kể từ ngày nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 sẽ định hướng lựa chọn một số tỉnh, thành có vị trí thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Điều này sẽ giúp các tỉnh thành này phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển.
Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, Bộ dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.
Cụ thể, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hành lang kinh tế Đông – Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau.
Trong giai đoạn đến năm 2030, dự kiến ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển. Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi: có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế…
Các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị…; đồng thời, ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.
Về các vùng động lực, hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực.
Theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với 13 sân golf trong đó có 10 sân golf quy hoạch mới.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Theo quy hoạch, trong 12 khu chức năng năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở Bắc Giang sẽ có 13 sân golf, gồm ba sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới
Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Về phương án phát triển mạng lưới đô thị, đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (TP Bắc Giang), 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V.
Quy hoạch 23 khu đô thị – dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.
Bắc Giang sẽ quy hoạch ba khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Bên cạnh đó, quy hoạch 4 khu phát triển trở thành khu du lịch cấp tỉnh gồm: Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao, huyện Sơn Động; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven – Xuân Lung – Thác Ngà, huyện Yên Thế; Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn – Vân Hà, huyện Việt Yên; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.
Đáng chú ý là Bắc Giang sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có ba khu đang thực hiện, 9 khu quy hoạch mới. Trong 12 khu chức năng có 13 sân golf, gồm 3 sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới.
Theo đó, các khu quy hoạch mới có sân golf gồm: Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao Nham Biền (2 sân golf, TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng); Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao (huyện Lạng Giang); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối Nứa (huyện Lục Nam).
Khu sân golf Yên Thế tại hồ Cầu Rễ (huyện Yên Thế); Khu sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Núi Dành (huyện Tân Yên); Khu sân golf Yên Hà (huyện Yên Dũng, Việt Yên); Khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam (huyện Lục Nam); Khu sân golf Tây Yên Tử (huyện Sơn Động).
Hà Nội sẽ nghiên cứu phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) diễn ra ngày 23 và 24/2, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.
Trình bày tờ trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tờ trình nêu định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh); định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, gồm định hướng quy hoạch 12 chuyên ngành, ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; định hướng bảo tồn di sản.
Tờ trình đã chỉ ra 8 tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhận định: Là Thủ đô của quốc gia, là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, nằm trong cấu trúc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, là hạt nhân vùng Đồng bằng sông Hồng, là đô thị đặc biệt, có cả khu vực nông thôn với khu vực hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%), nhưng thực tế, Thủ đô vẫn chưa thể phát huy hết vai trò, tiềm năng, thế mạnh tương xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Quy hoạch khu vực hành lang hai bên sông Hồng được xác định theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 chưa phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016; nhiều khu vực quy hoạch chưa hợp lý dẫn đến quá trình triển khai gặp nhiều khiếu nại, đề nghị điều chỉnh…
Tại tờ trình, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.
Thành phố sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4, phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Bởi trên thực tế, vùng Thủ đô Hà Nội với diện tích 24.314,7km2, dân số khoảng 20 triệu người, có diện tích lớn hơn Vùng Thủ đô Tokyo (diện tích khoảng 14.000km2, dân số khoảng 38 triệu người) và lớn hơn Vùng Thủ đô Bangkok cả về diện tích và dân số (diện tích khoảng 7.762km2, dân số khoảng 16 triệu người), nhưng mới chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất.
Thành phố cũng kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội chỉ đạo tổ chức xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo các chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nêu trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030…
Đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021- 2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó qua Hà Nội có 58,2 km qua 7 huyện; Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7km.
Theo chuyên gia bất động sản, bắt đầu từ nửa cuối năm 2021, nền kinh tế Việt Nam trải qua thách thức lớn nhất trong hai năm sau khi bị ảnh hưởng bởi các biến thể của đại dịch Covid-19, qua đó tác động tiêu cực đến hầu hết phân khúc trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, những khó khăn đó vẫn không thể phủ nhận tiềm năng chưa được khai thác của lĩnh vực bất động sản tại nước ta.
“Phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics trở nên nóng hơn bao giờ hết khi căng thẳng liên quan đến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy các nhà sản xuất đa dạng hóa hoạt động của họ trong khu vực. Phân khúc này tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ đại dịch với vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành sản xuất chiếm gần 60% nhu cầu về tài sản công nghiệp và hậu cần vào năm 2021”, theo thông tin công ty bất động sản toàn cầu có trụ sở tại Úc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đưa ra những dự đoán cho thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022.
Theo đó, trong năm nay, thị trường bất động sản nhà đất theo cụm sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là ở các khu vực bên ngoài hai thành phố hàng đầu cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu do nguồn cung bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn không đủ đáp ứng nhu cầu từ người mua.
Ngoài ra, các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Long An, Bình Dương hay các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh và Hưng Yên sẽ chứng kiến sự phát triển của các dự án công nghiệp trọng điểm, vốn đã xuất hiện với mật độ dày hơn trong vài năm qua. Các chuyên gia của Colliers dự đoán rằng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ liên tục được nâng cấp ở những khu vực này, đóng vai trò là cầu nối giữa nơi ở của mọi người và nơi làm việc của họ.
Không những vậy, công ty bất động sản có trụ sở tại Úc nhận định sẽ sự tăng trưởng trong việc phân phối các tài sản bất động sản logisitcs liên quan đến thương mại điện tử, chẳng hạn như kho chứa hàng và kho lạnh, phục vụ thị trường nội địa, phù hợp với nhu cầu tăng cao đối với phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics tại các thành phố trọng điểm.
Một điều quan trọng mà các chuyên gia của công ty bất động sản này nhận định thêm đó là cơ hội dành cho thị trường bất động sản nước ta tăng trưởng vào năm 2022 sẽ chỉ đến khi Việt Nam đẩy mạnh mở cửa trở lại nền kinh tế bằng cách ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các điều kiện thuận lợi do các chính sách tạo ra như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng khác nhau, cũng như miễn giảm các khoản chi phí liên quan đến tiền thuê đất và sử dụng đất.
Sau khi thu hồi ruộng lúa và đền bù cho người dân ở mức thấp, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã đưa ra đấu giá với mức cao, có lô giá khởi điểm hơn 4,7 tỷ đồng khiến người dân “choáng váng”.
Đền bù mức thấp, đấu giá cao
Hơn một tuần nay, dư luận xôn xao việc UBND huyện Đức Thọ phê duyệt tổ chức đấu giá 9 lô đất nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy với giá cao gấp khoảng 6 lần so với năm ngoái. Cụ thể, giá khởi điểm 8 lô, mỗi lô 160m2 là hơn 3,5 tỷ đồng, một lô hai mặt tiền 263m2 có giá khởi điểm hơn 4,7 tỷ đồng. Trong khi đó, những lô đất này trước khi đưa vào quy hoạch đấu giá là đất nông nghiệp, thuộc diện tích trồng lúa của người dân.
Việc đất ở nông thôn được thu hồi, đền bù cho dân ở mức thấp nhưng đưa ra đấu giá với mức khởi điểm cao khiến người dân ngạc nhiên và sửng sốt.
Nhìn vào thửa ruộng được áp giá đền bù thấp, nay đưa ra đấu giá hơn 3,5 tỷ đồng mỗi lô, bà Lê Thị Huân (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy) cho biết: “Thửa ruộng của tôi là 17 thước đất, hơn 566m2 mà họ đền bù cho gia đình tôi được 92 triệu đồng. Trong khi đó, 160m2 mà họ đã đưa ra đấu giá mức khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng. Đền bù cho dân mức thấp như vậy mà đưa ra đấu giá cao ngất ngưởng khiến chúng tôi tiếc và ngạc nhiên”.
Có mặt tại thửa ruộng đã ký vào văn bản để nhận tiền đền bù, ông Lê Đình Mậu (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy) cho biết, khoảng tháng 6/2021, UBND huyện Đức Thọ có chủ trương thu hồi đất, đền bù cho người dân để tổ chức đấu giá khu quy hoạch thôn Hòa Bình.
“Thời điểm thu hồi, gia đình tôi có hơn 1 sào ruộng, được đền bù 92 triệu đồng nhưng tôi chỉ mới ký vào văn bản chứ chưa được nhận tiền. Việc phải trả lại đất ruộng sản xuất để hưởng đền bù, tôi cũng tiếc ruộng lắm nhưng không trả cũng không được. Bởi đất nông nghiệp nên dân cũng không có quyền để bán. Giờ thấy họ đưa ra đấu giá cao như vậy khiến mọi người ai cũng sửng sốt”, ông Mậu nói.
Anh Bùi Khánh Toàn, nhà nằm cạnh khu vực đấu giá cho biết, việc chính quyền áp giá cao gây hiệu ứng không tốt.Một người dân sống gần khu vực đấu giá cho hay: “Tôi nói vừa thật vừa hài hước. Dân lấy tiền đâu ra để mua với mức giá đó. Dân đang chỉ trỏ nhau chắc phải dùng tiền âm phủ mới mua được đất giá cao như thế này”.
“Năm ngoái họ đấu giá các lô đất nằm cạnh khu này mà giá khởi điểm hơn 600 triệu. Giờ đưa ra mức khởi điểm cao gấp hơn 6 lần so với năm ngoái. Giá trị thực đất ở đây tầm 1,5 tỷ thôi. Mới đây cháu tôi vừa bán mảnh đất mà năm ngoái đấu với giá 1,4 tỷ. Việc chính quyền đưa ra mức giá cao để đấu giá gây hiệu ứng không tốt. Trong làng, đất trong ngõ ngách dân đòi lên tiền tỷ, tiền đâu mà mua và cũng không thể bán được”, anh Toàn nói.
“Xã chỉ tham mưu hơn 1 tỷ”
Theo quan sát của PV, 9 lô đất này bám mặt đường quốc lộ 8A, chưa được phân lô cắm mốc thực địa. Người dân vẫn đang tận dụng để trồng lúa.
Liên quan đến việc đền bù đất ruộng cho dân với giá thấp, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, việc đền bù theo quy định giải phóng mặt bằng của nhà nước.
“Đền bù cho dân theo quy định của nhà nước. Mỗi sào ruộng 500m2 được đền bù hơn 60 triệu đồng. Cái này theo quy định chung chứ không có vấn đề gì”, ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, năm 2021 nằm sát khu quy hoạch mới này, UBND huyện đã đưa ra đấu giá 22 lô. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm chỉ hơn 600 triệu đồng.
“Năm ngoái giá khởi điểm mỗi lô hơn 600 triệu đồng, sau khi đấu giá xong xuôi thì lên đến khoảng 800 triệu. Năm 2021, giá thị trường mỗi lô đất đang đưa ra đấu giá chỉ từ 1-1,2 tỷ. Xã tham mưu trên cơ sở giá đất thị trường. Xã tham mưu bằng văn bản cho UBND huyện mỗi lô 1,050 tỷ nhưng không hiểu sao huyện lại đưa ra mức giá cao như vậy”, ông Thọ nói.
“Sợ đưa mức thấp, đưa mức cao không lo”
“Với mức đưa ra đấu giá như vậy là cao. Hiện xung quanh này không có dự án gì cả. Nếu đấu giá thành công thì xã sẽ được 45% tiền vào ngân sách, còn lại nộp vào ngân sách của huyện và tỉnh. Số tiền nộp vào ngân sách xã để sử dụng vào xây dựng nông thôn mới…”, ông Thọ cho biết thêm.Cũng theo ông Thọ, hiện ở địa phương cũng đang sốt đất nhưng không cao đến mức như trên.
Ông Lê Trung Dũng, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Đức Thọ cho biết, việc đưa ra mức giá khởi điểm của 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy là căn cứ vào việc gần đó đã phê duyệt quy hoạch khu đô thị Tam Đồng, gần với dự án cao tốc Bắc – Nam nên nguồn tiềm năng rất lớn.
“Sợ là đưa mức thấp chứ đưa ra mức giá cao không lo vì rất nhiều trường hợp đưa ra mức đấu giá thấp, sau đó họ bán ra giá vượt mức rất cao. Đưa ra mức cao mà không bán được thì sau đó mình giảm, chứ không phải đặt giá đó là bắt khách hàng phải mua đất đâu. Nếu không được sẽ giảm tới lúc nào khách hàng cảm thấy phù hợp”, ông Dũng nói.
“Tổ chức đấu giá lần 1 nhưng không có khách nào mua. Nếu thông báo 2 đến 3 lần mà vẫn không có người mua đất thì sẽ thông báo giảm giá. Lúc đầu vẫn kỳ vọng sẽ bán được, chứ không ai muốn đặt một cái giá mà không có ai mua cả. Nguồn thu thì đang rất cần mà mình đặt giá thấp thì cũng không được”, ông Dũng nói.Theo ông Dũng, mức giá đưa ra để đấu là do Phòng Tài chính và Phòng TN&MT huyện tham mưu, Chủ tịch huyện ký ban hành. Tuy nhiên sau khi thông báo và tổ chức đấu giá, không có bất cứ người nào tham gia mua đất.
Nói về việc chưa có cơ sở hạ tầng mà đã đưa ra tổ chức đấu giá, ông Dũng cho rằng: “Do 9 lô đất bám mặt đường quốc lộ nên không cần chuẩn bị hạ tầng. Lúc nào đấu xong có người ở ví dụ như cần lắp điện, nước thì sẽ có người đến lắp đặt”.
Đại diện Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Nhật cho biết, đơn vị tổ chức đấu giá 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy nhưng khi thông báo hồ sơ thì không có ai tham gia.
“Tổ chức đấu giá vào ngày 18/2 nhưng không có người nào tham gia mua đất. Trong thời điểm đất đang sốt mà tổ chức đấu giá không có ai tham gia thì chứng tỏ giá đưa ra cao. Đơn vị sẽ thông báo tổ chức đấu giá tới 2 lần nữa nếu không có người mua thì huyện sẽ giải quyết vấn đề này. Việc tổ chức đấu giá mà không có người mua trong thời điểm này là rất hiếm”, đại diện Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Nhật nói.